Đánh giá tác dụng giảm đau của châm a thị huyệt (điểm kích hoạt đau) trên bệnh nhân đau cơ cấp vùng cổ gáy

  • 105 trang
  • file .pdf
.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ Y TẾ
ĐẠI HỌC Y DƯỢC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-----------------
ĐỖ THANH HÀ
ĐÁNH GIÁ TÁC DỤNG GIẢM ĐAU
CỦA CHÂM A THỊ HUYỆT
(ĐIỂM KÍCH HOẠT ĐAU)
TRÊN BỆNH NHÂN ĐAU CƠ CẤP
V ÙNG CỔ GÁY
LUẬN VĂN CHUYÊN KHOA CẤP II
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH – NĂM 2020
.
.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BỘ Y TẾ
ĐẠI HỌC Y DƯỢC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-----------------
ĐỖ THANH HÀ
ĐÁNH GIÁ TÁC DỤNG GIẢM ĐAU
CỦA CHÂM A THỊ HUYỆT
(ĐIỂM KÍCH HOẠT ĐAU)
TRÊN BỆNH NHÂN ĐAU CƠ CẤP
VÙNG CỔ GÁY
CHUYÊN NGÀNH: Y HỌC CỔ TRUYỀN
MÃ SỐ: CK 62 72 60 01
LUẬN VĂN CHUYÊN KHOA CẤP II
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS.BS. TRỊNH THỊ DIỆU THƯỜNG
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - NĂM 2020
.
.
LỜI CAM ĐOAN
Tôi cam đoan Luận văn Bác sĩ Chuyên khoa II “Đánh giá tác dụng giảm
đau của châm A thị huyệt (điểm kích hoạt đau) trên bệnh nhân đau cơ cấp vùng
cổ gáy” là công trình nghiên cứu của chính tôi. Các số liệu trích dẫn và thông tin
tham khảo trong Luận văn là trung thực và có nguồn gốc rõ ràng. Các kết quả có
được trong Luận văn là do tôi tự thực hiện, phân tích một cách khách quan,
trung thực; Các kết quả này chưa từng được công bố trước đây.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 9 năm 2020
Học viên thực hiện
BSCKI. ĐỖ THANH HÀ
.
.
LỜI CẢM ƠN
Trong suốt 4 năm học tập, nghiên cứu khoa học để hoàn thành Luận văn
Bác sĩ Chuyên khoa II, em đã nhận được sự quan tâm, động viên, tạo điều kiện
thuận lợi từ Quý Thầy, Quý Cô của Đại học Y Dược TP.HCM, Quý đồng
nghiệp và gia đình.
Em xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Quý Thầy, Quý Cô của Đại học Y
Dược TP.HCM nói chung và của Khoa Y học cổ truyền nói riêng; Em tự hào vì
được học tập tại Đại học Y Dược TP.HCM từ bậc Đại học cho tới nay.
Đặc biệt em xin gửi lời tri ân sâu sắc tới PGS.TS Trịnh Thị Diệu Thường,
người trực tiếp hướng dẫn, chỉ bảo tận tình cho em trong quá trình nghiên cứu
khoa học để hoàn thành Luận văn này.
Với thời gian nghiên cứu và năng lực còn hạn chế, Luận văn không tránh
khỏi thiếu sót, em rất mong nhận được những nhận xét, góp ý từ Quý Thầy, Quý
Cô trong Hội đồng chấm luận văn, giúp em hoàn thiện hơn công trình nghiên
cứu khoa học của mình.
Em xin trân trọng cảm ơn!
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 9 năm 2020
Học viên
ĐỖ THANH HÀ
.
.
i
MỤC LỤC
Mục lục i
Danh mục các chữ viết tắt iii
Danh mục các bảng iv
Danh mục các biểu đồ vi
ĐẶT VẤN ĐỀ ............................................................................................... 1
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÀI LIỆU ......................................................... 4
1.1 Đau cơ cấp vùng cổ gáy theo Y học hiện đại ......................................... 4
1.2 Đau cơ cấp vùng cổ gáy theo Y học cổ truyền ..................................... 20
1.3 Các công trình nghiên cứu liên quan ................................................... 25
CHƯƠNG 2: ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ............. 30
2.1 Thiết kế nghiên cứu ............................................................................. 30
2.2 Đối tượng nghiên cứu .......................................................................... 30
2.3 Các biến số nghiên cứu........................................................................ 34
2.4 Phương pháp nghiên cứu ..................................................................... 39
2.5 Phân tích và xử lí số liệu ..................................................................... 43
2.6 Đạo đức trong nghiên cứu ................................................................... 45
CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ .............................................................................. 46
3.1 Quá trình thu thập số liệu .................................................................... 46
3.2 Đặc điểm của đối tượng nghiên cứu .................................................... 47
3.3 Kết quả nghiên cứu ............................................................................. 54
3.4 Đánh giá tính an toàn của hai phương pháp và các chỉ số khác ............ 57
CHƯƠNG 4: BÀN LUẬN ........................................................................... 63
4.1 Sự đồng nhất về đặc điểm của hai nhóm bệnh nhân............................. 63
4.2 Hiệu quả của phương pháp châm tả A thị huyệt .................................. 71
.
.
ii
4.3 Các ghi nhận khác liên quan tới châm tả A thị huyệt ........................... 74
4.4 Khả năng ứng dụng của châm tả A thị huyệt ....................................... 76
4.5 Điểm mạnh và hạn chế của đề tài ........................................................ 76
4.6 Điểm mới được ghi nhận thêm ngoài mục tiêu nghiên cứu .................. 78
4.7 Hướng mở rộng của đề tài ................................................................... 79
KẾT LUẬN.................................................................................................. 80
KIẾN NGHỊ ................................................................................................. 81
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC
.
.
iii
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
Tiếng Việt:
ĐLC: Độ lệch chuẩn
GTLN: Giá trị lớn nhất
GTNN: Giá trị nhỏ nhất
TB: Trung bình
YHCT: Y học cổ truyền
YHHĐ: Y học hiện đại
Tiếng Anh:
IASP: Hiệp hội nghiên cứu đau quốc tế
NRS: Thang điểm đau dùng số
SDS: Thang đau mô tả đơn giản
SF-MPQ: Bảng câu hỏi đau McGill rút gọn
TENS: Kích thích thần kinh bằng xung điện qua da
TrP: Điểm kích hoạt đau
VAS: Thang điểm tương tự trực quan
.
.
iv
DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 3.1 Đặc điểm phân bố bệnh nhân theo giới tính................................... 47
Bảng 3.2 Đặc điểm phân bố bệnh nhân theo độ tuổi ..................................... 47
Bảng 3.3 Đặc điểm phân bố bệnh nhân theo tính chất nghề nghiệp .............. 48
Bảng 3.4 Đặc điểm phân bố bệnh nhân theo phân độ lâm sàng .................... 49
Bảng 3.5 Đặc điểm phân bố bệnh nhân theo thời gian đau ........................... 49
Bảng 3.6 Đặc điểm phân bố bệnh nhân theo có hoặc không đau tái phát ...... 50
Bảng 3.7 Đặc điểm phân bố bệnh nhân theo hướng lan của đau ................... 51
Bảng 3.8 Đặc điểm phân bố bệnh nhân có hoặc không điều trị đau trước
nghiên cứu.................................................................................................... 51
Bảng 3.9 Đặc điểm phân bố bệnh nhân về số lượng A thị huyệt ................... 52
Bảng 3.10 Đặc điểm phân bố bệnh nhân về đoạn kinh cân bị đau ................ 53
Bảng 3.11 Sự thay đổi điểm đau ở bệnh nhân thuộc nhóm can thiệp ............ 54
Bảng 3.12 Sự thay đổi điểm đau ở bệnh nhân thuộc nhóm chứng................. 55
Bảng 3.13 So sánh tổng điểm đau giữa hai nhóm trước nghiên cứu.............. 56
Bảng 3.14 So sánh tổng điểm đau giữa hai nhóm sau nghiên cứu ................. 56
Bảng 3.15 Số lần điều trị trung bình của hai nhóm ....................................... 57
Bảng 3.16 Sự thay đổi tần số mạch trước và sau đợt điều trị ở nhóm can thiệp
..................................................................................................................... 57
Bảng 3.17 Sự thay đổi huyết áp trước và sau đợt điều trị ở nhóm can thiệp .. 58
Bảng 3.18 Sự thay đổi tần số mạch trước và sau đợt điều trị ở nhóm chứng . 58
Bảng 3.19 Sự thay đổi huyết áp trước và sau đợt điều trị ở nhóm chứng ...... 59
.
.
v
Bảng 3.20 Tỉ lệ bệnh nhân có biến cố bất lợi do làm thủ thuật ..................... 59
Bảng 3.21 Tỉ lệ bệnh nhân có đỏ da khi châm đắc khí .................................. 60
Bảng 3.22 Tỉ lệ bệnh nhân tự tập vận động cổ tại nhà .................................. 60
Bảng 3.23 Mức độ hài lòng của bệnh nhân sau khi được điều trị .................. 61
.
.
vi
DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ
Biểu đồ 3.1 Khác biệt về điểm số đau giữa trước và sau châm ..................... 54
Biểu đồ 3.2 Khác biệt về điểm số đau giữa trước và sau xung kích .............. 55
Biểu đồ 3.3 Mức độ hài lòng của bệnh nhân đối với hai phương pháp.......... 61
.
.
1
ĐẶT VẤN ĐỀ
Hội chứng đau cơ cấp vùng cổ gáy là một trong những kiểu đau cổ gáy
rất thường gặp trên lâm sàng. Theo nghiên cứu “Gánh nặng bệnh tật toàn cầu
năm 2010”, đau cổ gáy đứng thứ tư trong các nguyên nhân gây giảm khả năng
lao động, xếp sau đau lưng, trầm cảm và đau khớp [67]. Khoảng một nửa số
người sẽ trải qua cơn đau cổ gáy đáng kể trên lâm sàng trong suốt cuộc đời
[56]. Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy tỉ lệ hàng năm dao động từ 15%
đến 50% [13, 18, 56, 60] với một tổng quan hệ thống báo cáo tỉ lệ trung bình
là 37,2% [56]. Đau cổ gáy ở nữ cao hơn nam và cao nhất trong độ tuổi trung
niên [13, 18, 56, 60]. Đau cổ gáy còn có liên quan đến một số bệnh đi kèm
khác bao gồm đau đầu, đau lưng, đau khớp và trầm cảm [18, 60].
Đau cơ cấp vùng cổ gáy thuộc loại đau cơ vân, một hội chứng đau phức
tạp hiện còn chưa được hiểu biết thấu đáo, nhưng người ta nhận thấy sự khởi
phát và tồn tại của đau cơ cấp là do các điểm kích hoạt đau ở cơ. Các điểm
kích hoạt này thường ở vị trí trọng tâm trong cơ, dạng nốt có mật độ chắc,
tăng co thắt và đặc biệt là đau tăng khi sờ nắn. Có mối liên quan nhân quả
giữa điểm kích hoạt đau với sinh lí cơ bản của hội chứng đau cơ vân [64].
Vị trí, tính chất của đau cơ cấp vùng cổ gáy giống với đau ở các đoạn
kinh cân cùng sự xuất hiện những A thị huyệt, thuộc chứng “thực”, theo mô tả
của Y học cổ truyền (YHCT) [5]. A thị huyệt đã được các chuyên gia châm
cứu trị liệu xác định tương đương với điểm kích hoạt đau, nói một cách chính
xác thì điểm kích hoạt đau cơ vân là một dạng mô tả của A thị huyệt [26].
Điều trị đau cơ cấp vùng cổ gáy gồm có các biện pháp dùng thuốc và
không dùng thuốc. Các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, giãn cơ khi sử dụng
có thể gây nhiều tác dụng phụ cho bệnh nhân. Theo Cục quản lí thực phẩm và
dược phẩm Hoa Kì (FDA), việc lạm dụng các thuốc giảm đau làm tăng nguy
.
.
2
cơ tai biến của nhiều bệnh tim mạch, tiêu hóa... Tại Hoa Kì, nhóm thuốc
kháng viêm không steroids mỗi năm gây 16.000 người chết do viêm loét, xuất
huyết đường tiêu hóa nặng [19]. Điều trị không dùng thuốc bao gồm các
phương pháp Y học hiện đại (YHHĐ) như vật lí trị liệu (xung kích, siêu âm,
laser chiếu ngoài …), phương pháp YHCT (châm cứu, xoa bóp, …) cho thấy
có hiệu quả nhất định [38]. Sóng xung kích trị liệu là một kỹ thuật mới, đã
được chứng minh hiệu quả trong điều trị đau cơ vân [12, 21, 34, 39, 44, 51,
59], tuy nhiên phương pháp này chưa phổ biến và giá thành còn cao. Do đó,
việc áp dụng một phương pháp điều trị YHCT có hiệu quả tốt và an toàn cho
bệnh nhân là rất cần thiết. Điều này cũng phù hợp với chiến lược của Tổ chức
Y tế thế giới: Tăng cường tính an toàn, chất lượng và hiệu quả của YHCT
[11].
Châm tả tại A thị huyệt vốn là phương pháp thường dùng để làm giảm
đau tại chỗ, cách châm này được ghi trong sách Linh Khu (thiên Kinh cân)
[4]. Hiện nay, hầu như chưa có nghiên cứu nào trong nước về tác dụng của
châm A thị huyệt đối với đau cơ cấp vùng cổ gáy; Có vài nghiên cứu ở nước
ngoài châm kim “khô” (dry needling) tại điểm kích hoạt đau cho thấy hiệu
quả nhất định đối với đau cơ cổ gáy mạn tính, kiểu châm này giống như châm
tả của YHCT. Do đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu
quả giảm đau một cách khách quan và khoa học của châm tả A thị huyệt trên
bệnh nhân đau cơ cấp vùng cổ gáy.
.
.
3
CÂU HỎI NGHIÊN CỨU:
Châm tả A thị huyệt (điểm kích hoạt đau) có làm giảm đau, theo thang
điểm SF-MPQ, hơn dùng sóng xung kích trị liệu trong đau cơ cấp vùng cổ
gáy không?
MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
MỤC TIÊU TỔNG QUÁT:
Đánh giá tác dụng giảm đau của châm A thị huyệt (điểm kích hoạt đau)
so với sóng xung kích trị liệu trên bệnh nhân có hội chứng đau cơ cấp vùng cổ
gáy tại khoa Y học cổ truyền, bệnh viện Đại học Y Dược Shing Mark.
MỤC TIÊU CỤ THỂ:
1. Đánh giá mức độ giảm đau theo thang điểm SF-MPQ sau 7 ngày điều
trị của phương pháp châm tả và xung kích điểm kích hoạt đau trên bệnh
nhân đau cơ cấp vùng cổ gáy.
2. So sánh mức độ giảm đau theo thang điểm SF-MPQ sau 7 ngày điều trị
giữa phương pháp châm tả và xung kích điểm kích hoạt đau trên bệnh
nhân đau cơ cấp vùng cổ gáy.
3. Đánh giá tỉ lệ bệnh nhân có biến cố bất lợi ở nhóm châm tả và xung
kích điểm kích hoạt đau.
4. Đánh giá lượng thuốc giảm đau paracetamol phải dùng kèm hàng ngày
ở bệnh nhân đau cơ cấp vùng cổ gáy trong 2 nhóm.
.
.
4
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1.1 Đau cơ cấp vùng cổ gáy theo Y học hiện đại
1.1.1 Giải phẫu cơ vùng cổ gáy [9]
Vùng cổ nối đầu với thân, gồm có hai phần: Phần sau là gáy và phần
trước bên là cổ chính danh, ranh giới giữa hai phần là bờ ngoài cơ thang.
1.1.1.1 Cơ vùng gáy
Gồm các cơ ở sau cột sống và các mỏm ngang, có đặc điểm chung là
các cơ ở sâu sát với xương thì ngắn và hẹp, các cơ ở nông thì dài và rộng.
Cơ vùng gáy xếp thành 4 lớp từ nông vào sâu:
Lớp thứ nhất:
Lớp nằm nông nhất chỉ có cơ thang, là cơ to nhất vùng gáy, từ đường
cong chẩm trên, ụ chẩm ngoài, các mỏm gai đốt sống cổ kéo dài xuống bám
vào phía ngoài xương đòn, mỏm cùng vai, đốt sống ngực. Cơ hình thang che
phủ tất cả các cơ vùng gáy và một phần phía trên của lưng.
Lớp thứ hai: Có 2 cơ:
 Cơ gối đầu: Từ mỏm ngang đốt sống cổ 6 đến ngực 2 tới bám vào nửa
ngoài đường cong chẩm trên.
 Cơ gối cổ: Từ mỏm gai đốt sống ngực 3 đến ngực 5 tới bám vào mỏm
ngang đốt cổ 1 đến cổ 4.
Lớp thứ ba: Có 4 cơ:
 Cơ bán gai: Từ mỏm ngang các đốt sống ngực và 6 đốt cổ dưới đến
bám vào mỏm gai của 6 đốt cổ dưới.
 Cơ dài đầu: Từ mỏm ngang của 4 đốt sống cổ dưới tới sau mỏm chũm.
.
.
5
 Cơ dài cổ: Từ mỏm ngang của 5 đốt sống ngực trên đến mỏm ngang
các đốt sống cổ 3 và cổ 4.
 Phần cổ của cơ thắt lưng hay cơ chậu sườn cổ: Từ góc sau của 6 xương
sườn trên tới mỏm ngang của các đốt sống cổ 2 đến cổ 4.
Lớp thứ tư:
 Cơ thẳng đầu sau to: Từ mỏm gai đốt cổ tới đường cong chẩm dưới.
 Cơ thẳng đầu sau bé: Từ củ sau đốt đội tới phần trong đường cong
chẩm dưới.
 Cơ chéo đầu: Từ mỏm ngang đốt đội đến xương chẩm.
 Cơ chéo đầu dưới: Từ mỏm gai đốt trục đến mỏm ngang đốt đội.
Tác dụng chung của các cơ vùng gáy: Nếu cơ hai bên cùng co làm ngửa
đầu, ưỡn cột sống cổ; nếu một bên co làm nghiêng đầu và cổ, quay đầu.
1.1.1.2 Cơ vùng cổ
Chia làm 3 nhóm và xếp theo 3 lớp:
Lớp nông: Ở hai bên cổ, gồm cơ ức đòn chũm và cơ bám da cổ.
 Cơ ức đòn chũm: Từ xương ức, xương đòn chạy chếch lên trên ra sau
tới bám vào xương chũm và xương chẩm. Cơ dày nằm chéo vùng cổ
trước bên và che phủ các cơ bậc thang, các bó mạch thần kinh cổ, vì
vậy cơ ức đòn chũm là cơ tuỳ hành của bó mạch thần kinh cổ. Tác
dụng: Làm nghiêng đầu về một bên và quay mặt sang bên đối diện.
Lớp giữa: Ở vùng cổ trước, gồm các cơ trên móng và dưới móng.
 Các cơ trên móng, có 4 cơ, từ nông vào sâu: Cơ trâm móng, cơ hai
thân, cơ hàm móng, cơ cằm móng. Tác dụng chung: Kéo xương móng
.
.
6
và đáy lưỡi lên trên hoặc hạ thấp xương hàm dưới khi xương móng bị
kéo xuống dưới bởi các cơ dưới móng.
 Các cơ vùng dưới móng, có 4 cơ: Cơ vai móng, cơ ức đòn móng hay cơ
ức móng, cơ giáp móng, cơ ức giáp.
Lớp sâu: Gồm các cơ ở trước và bên cột sống, tạo thành nền của vùng
cổ trước bên.
Các cơ trước sống: Gồm các cơ bám sát mặt trước các đốt sống cổ, có
4 cơ:
 Cơ thẳng đầu trước: Từ khối bên đốt đội tới mặt dưới phần nền xương
chẩm.
 Cơ thẳng đầu ngoài: Từ mỏm ngang đốt đội tới mặt dưới mỏm cảnh
xương chẩm.
 Cơ dài cổ: Nằm trước cột sống cổ và ngực trên.
 Cơ dài đầu: Từ củ trước mỏm ngang đốt sống cổ 3 đến cổ 6 tới mặt
dưới phần nền xương chẩm.
Tác dụng: Gấp cổ và nghiêng cổ về một bên.
Cơ bên cột sống: Có 3 cơ bậc thang (trước - giữa - sau), đều bám vào
mỏm ngang các đốt sống cổ xuống dưới:
 Cơ bậc thang trước bám vào củ cơ bậc thang trước của xương sườn 1.
 Cơ bậc thang giữa bám vào xương sườn 1 sau cơ bậc thang trước.
 Cơ bậc thang sau bám vào xương sườn 2.
Tác dụng chung: Gấp và xoay nhẹ cột sống cổ, nâng xương sườn 1, 2
lên trên.
.
.
7
1.1.2 Đau vùng cổ gáy
Đau vùng cổ gáy là một trong những than phiền thường gặp nhất trong
số các bệnh lí cơ xương khớp. Khoảng 2/3 dân số sẽ phải trải qua đau cổ gáy
tại một thời điểm nào đó trong đời [13]. Một nghiên cứu ở Canada cho thấy tỉ
lệ đau cổ gáy là 40% [49]. Tỉ suất tăng theo tuổi và cao nhất ở lứa tuổi 50 –
59 [13]. Nhìn chung phụ nữ bị đau cổ gáy hầu như gấp đôi nam giới [41]. Tỉ
lệ người bị đau cổ gáy cấp chuyển thành mạn tính chiếm khoảng 10% [13].
1.1.2.1 Định nghĩa
Hiệp hội nghiên cứu đau quốc tế (International Association for the
Study of Pain: IASP) định nghĩa đau cổ gáy là đau bất kì vị trí nào ở vùng sau
của cột sống cổ, từ đường cong chẩm trên xuống đến đốt sống ngực đầu tiên
[28]. Đây là một định nghĩa dựa theo vị trí đau, điều này cũng phù hợp với
quan niệm của đa số bệnh nhân về đau cổ gáy. Đau ở phía trước của cột sống
cổ thường được mô tả là đau cổ họng chứ không phải là đau cổ gáy. Người ta
cũng gợi ý rằng nên chia đau cổ gáy thành đau cột sống cổ trên và đau cột
sống cổ dưới, trên hoặc dưới một đường tưởng tượng ngang qua đốt sống cổ
thứ 4 [46]. Từ đoạn cổ trên đau thường lan lên đầu, trong khi từ đoạn cổ thấp
hơn, đau có thể lan xuống vùng vai, thành ngực trước hoặc chi trên. Họ cũng
định nghĩa đau dưới màng cứng là đau nằm giữa đường cong chẩm lớn và đốt
sống cổ thứ 2, một khu vực dường như là nguồn gốc của đau đầu do cổ. Việc
phân chia đau cổ gáy thành đau cổ dưới và trên có thể rất quan trọng đối với
các bác sĩ lâm sàng và các nhà nghiên cứu trong việc định khu nguồn gốc đau
và cố gắng xác định nguyên nhân có thể.
Nhóm nghiên cứu xương và khớp thập kỷ 2000 - 2010 về đau cổ và các
rối loạn liên quan của nó mô tả đau cổ gáy là đau nằm ở vùng giải phẫu của
cổ có hoặc không có lan lên đầu, xuống thân và chi trên [32]. Xác định khu
.
.
8
vực từ đường cong chẩm trên đến cột sống vùng vai và khu vực bên cạnh
xuống đường biên trên xương đòn và trên xương ức. Định nghĩa của IASP
giới hạn triệu chứng đau xuống đến đốt sống ngực đầu tiên và không bao gồm
các vùng mà đau cổ gáy có thể lan đến, trong khi theo Nhóm nghiên cứu
xương và khớp thập kỷ 2000 - 2010 thì định nghĩa đau cổ gáy bao gồm cả các
khu vực mà đau lan đến.
Đau cổ gáy cấp tính thường được định nghĩa là khi triệu chứng đau kéo
dài dưới 6 tuần (đau bán cấp khi ≤ 3 tháng, đau mạn tính khi > 3 tháng).
Trong đó, thời gian đau càng ngắn thì tiên lượng điều trị càng tốt [61]. Một
kiểu phân loại khác được IASP đề xuất là đau cấp tính thường dưới 7 ngày
(đau bán cấp kéo dài 7 ngày – 3 tháng, đau mạn tính kéo dài > 3 tháng) [30].
Tương tự với những khung thời gian như vậy, Nhóm nghiên cứu đau cổ đề
xuất thuật ngữ “đau cổ gáy tạm thời” thay cho cấp tính, “thời gian ngắn” thay
cho bán cấp, và “kéo dài” thay cho mạn tính [32]. Các nhà nghiên cứu thường
không phân định rạch ròi giữa đau cổ gáy bán cấp với đau cấp tính và mạn
tính. Về mặt học thuật, cũng không có nghiên cứu nào chỉ ra sự khác nhau về
đáp ứng với cùng một điều trị giữa bệnh nhân đau cổ gáy bán cấp với đau cấp
hoặc đau mạn tính. Do đó, có vẻ như hợp lí khi chỉ cần nhận diện và phân loại
đau cổ gáy cấp tính và mạn tính [46].
1.1.2.2 Nguyên nhân đau cổ gáy
Trong nhiều nghiên cứu các tác giả cho thấy tất cả các trường hợp đau
cổ gáy đều có một nguyên nhân nguyên nhân bệnh lí tại chỗ có thể nhận diện
và điều trị được [32]. Các tác giả khác cũng cho rằng đau cổ gáy là một vấn
đề nguyên phát vô căn với nguồn gốc tâm lí xã hội [25]. Vài tác giả có xu
hướng xếp đau cổ gáy dựa trên các yếu tố cốt lõi như đau liên quan đến chấn
thương, đau do nghề nghiệp, đau cổ gáy trong thể thao, và đau cổ gáy không
.
.
9
đặc hiệu [24, 35, 53, 68]. Cũng có ý kiến quả quyết rằng nguyên nhân đau cổ
gáy thông thường không được biết rõ, mà nguyên nhân có thể nhận biết lại
thường là những tình trạng nghiêm trọng và hiếm gặp như u bướu, gãy xương
[46]. Những quan điểm này hàm nghĩa có nhiều kiểu nguyên nhân gây ra đau
cổ gáy. Khi không biết rõ nguyên nhân bệnh lí gây ra đau cổ gáy thì IAPS
khuyến nghị dùng thuật ngữ “đau cổ gáy không định khu” [28]. Nhóm hướng
dẫn về đau cơ xương khớp cấp tính của Australia cũng khuyến nghị dùng
“đau cổ gáy vô căn” cho những trường hợp chưa rõ nguyên nhân [15].
Một trong những nguyên nhân thường gặp nhất của đau cổ gáy là hội
chứng đau cơ cấp với sự hiện diện của các điểm kích hoạt đau [17]. Đây được
xem là những điểm trực tiếp gây ra cơn đau ở cơ vân, nhất là với đau cơ cấp
tính. Mặt khác, đau do các nguyên nhân khác cũng thường kèm theo đau phản
ứng của cơ.
1.1.2.3 Phân độ lâm sàng
Nhóm nghiên cứu xương và khớp về đau cổ gáy khuyến cáo phân loại
lâm sàng theo 4 cấp độ dựa trên mức độ nghiêm trọng của cơn đau [33]:
 Độ I: Đau cổ gáy không có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh lí cấu
trúc chính và không hoặc ít ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày;
 Độ II: Đau cổ gáy không có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh lí
cấu trúc chính nhưng có ảnh hưởng tới các hoạt động sống hàng ngày;
 Độ III: Đau cổ gáy không có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh lí cấu
trúc chính nhưng có dấu hiệu chèn ép thần kinh;
 Độ IV: Đau cổ gáy với các dấu hiệu bệnh lí cấu trúc chính.
Các bệnh lí cấu trúc chính bao gồm: Gãy xương, chấn thương cột sống,
nhiễm trùng, u tân sinh hoặc bệnh hệ thống,...
.
.
10
Hầu hết các nghiên cứu đều lựa chọn bệnh nhân tham gia dựa trên cơ
sở chẩn đoán lâm sàng. Có thể là “đau cổ gáy” hay “đau cổ gáy mạn tính” hay
“đau cổ gáy không đặc hiệu mạn tính”. Tiêu chuẩn dựa trên triệu chứng bao
gồm thời gian đau, mức độ đau, và tần suất xuất hiện triệu chứng. Ví dụ, trong
nghiên cứu của Dziedzic và cộng sự, việc lựa chọn bệnh nhân dựa trên “đau
cổ hoặc vai mạn tính hay tái diễn trong vòng ít nhất là 3 tháng có hoặc không
có kèm đau tay” [32, 37, 40].
1.1.3 Điểm kích hoạt đau trong đau cơ cấp vùng cổ gáy
1.1.2.1 Khái niệm điểm kích hoạt đau [64]
Điểm kích hoạt đau (trigger point: TrP) là điểm quá mẫn cảm, thường ở
trong một dải cơ vân, có thể có cấu trúc cứng chắc sờ thấy được, đường kính
vài millimet và được tìm thấy tại nhiều vị trí trong mô cơ.
Có 2 loại điểm kích hoạt đau là hoạt động và tiềm ẩn. Điểm kích hoạt
đau hoạt động trực tiếp gây ra đau trên lâm sàng mà bệnh nhân sẽ nhận ra khi
ấn lên chúng. Điểm kích hoạt đau tiềm ẩn có thể tạo ra các dấu hiệu khác đặc
trưng của một điểm kích hoạt đau bao gồm tăng căng cơ và co thắt cơ, nhưng
không tạo ra đau tự phát. Cả hai loại điểm kích hoạt đau hoạt động và tiềm ẩn
đều có thể gây ra rối loạn chức năng cơ đáng kể như cứng cơ, yếu cơ, giảm
tầm vận động. Các yếu tố gây hình thành điểm kích hoạt đau hoạt động khi ở
mức độ thấp hơn có thể tạo ra điểm kích hoạt đau tiềm ẩn. Một điểm kích
hoạt đau hoạt động chính ở một cơ này có thể tạo ra điểm kích hoạt đau vệ
tinh hoạt động ở một cơ khác. Khi bất hoạt điểm kích hoạt đau hoạt động
chính cũng thường dẫn đến bất hoạt cả điểm kích hoạt đau vệ tinh của nó mà
không cần điều trị điểm kích hoạt đau vệ tinh.
.