Các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của bộ luật dân sự

  • 109 trang
  • file .pdf
LUẬN VĂN:
Các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo
quy định của Bộ luật dân sự
mở đầu
1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài
Thừa kế là một quan hệ pháp luật phổ biến trong đời sống xã hội. Trong giai
đoạn hiện nay, khi số lượng và giá trị tài sản của cá nhân ngày càng đa dạng, phong phú
thì vấn đề thừa kế di sản cũng nảy sinh nhiều dạng tranh chấp. Bộ luật dân sự của Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1995 quy định các điều kiện có hiệu lực của di chúc,
nhưng việc hiểu và áp dụng những quy định đó trong việc giải quyết phân chia di sản
thừa kế theo di chúc trên thực tế còn nhiều bất cập. Những khó khăn thường được thể
hiện trong việc xác định phải có những điều kiện gì thì di chúc mới được coi là hợp pháp,
điều kiện của người lập di chúc, ý chí của người lập di chúc, nội dung của di chúc và hình
thức của di chúc. Trong thực tiễn thì các quy định của pháp luật về các điều kiện có hiệu
lực của di chúc còn có những cách hiểu khác nhau, dẫn tới việc nhận định và quyết định
không giống nhau của một số bản án giải quyết cùng một vụ án tranh chấp về các điều
kiện có hiệu lực của di chúc. Do vậy, việc nghiên cứu nhằm làm rõ những quy định của
pháp luật về các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự năm
1995 và Bộ luật dân sự năm 2005 là đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của lý luận và thực
tiễn. Qua nghiên cứu đề tài, tác giả cũng muốn xác định ý nghĩa của chế định về quyền
thừa kế nói chung và thừa kế theo di chúc nói riêng. Với việc nghiên cứu đề tài, tác giả
muốn hoàn thiện hơn nữa những quy định pháp luật về các điều kiện có hiệu lực của di
chúc, nhằm mục đích nâng cao hơn nữa hiệu quả điều chỉnh của những quy định này
trong Bộ luật dân sự.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Cũng như thừa kế theo pháp luật, thừa kế theo di chúc nói chung và các điều kiện
có hiệu lực của di chúc nói riêng đã được hầu hết các luật gia, các nhà lập pháp của các
nước trên thế giới nghiên cứu. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, Bộ luật dân sự của các
nước đều quy định về quyền định đoạt bằng di chúc của chủ sở hữu tài sản nhằm chuyển
dịch tài sản của mình cho người khác. Quyền định đoạt bằng di chúc là quyền dân sự được
Nhà nước bảo hộ, được ghi nhận trong Hiến pháp của Nhà nước ta và của các nước khác
trên thế giới.
ở nước ta, việc nghiên cứu về thừa kế theo di chúc nói chung và nghiên cứu về các
điều kiện có hiệu lực của di chúc nói riêng đã có từ xa xưa. Chúng ta có thể kể đến nhiều
bộ luật như: Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long, Dân luật Bắc kỳ, Dân luật Trung Kỳ...
Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, các điều kiện có hiệu lực của di
chúc cũng đã được các nhà lập pháp nghiên cứu, nhưng những quy định đó còn đơn giản
và chưa đầy đủ. Trong số các loại văn bản này, đáng chú ý là Thông tư số 81-TATC ngày
24-7-1981 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết tranh chấp thừa kế (đúc kết
từ thực tiễn xét xử của ngành Tòa án nhân dân) và Pháp lệnh Thừa kế ngày 10-9-1990.
Chỉ khi Bộ luật dân sự năm 1995 được ban hành thì vấn đề các điều kiện có hiệu lực của
di chúc mới được quy định rõ ràng hơn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Bộ luật này,
cũng còn nhiều vấn đề cần phải trao đổi.
Về kết quả nghiên cứu của các luật gia: Tính đến thời điểm hiện nay cũng đã có
nhiều công trình khoa học nghiên cứu về thừa kế, nhưng chỉ có một số ít công trình
nghiên cứu về thừa kế theo di chúc. Đáng chú ý trong các công trình nghiên cứu này,
phải kể đến đề tài: "Thừa kế theo pháp luật của công dân Việt Nam từ năm 1945 đến
nay" của tiến sĩ Phùng Trung Tập; đề tài: "Thừa kế theo di chúc theo quy định của Bộ
luật dân sự Việt Nam" của tiến sĩ Phạm Văn Tuyết; cuốn sách: "Một số suy nghĩ về thừa
kế trong luật dân sự Việt Nam" của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện... Tuy nhiên, những công
trình trên không nghiên cứu riêng và có tính hệ thống về các điều kiện có hiệu lực của
di chúc.
Nhận thức được vấn đề này, tác giả luận văn đã nghiên cứu trong một diện hẹp
về các điều kiện có hiệu lực của di chúc để nhằm làm sáng tỏ việc xác định các điều kiện
có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự
năm 2005. Với kết quả nghiên cứu của đề tài: "Các điều kiện có hiệu lực của di chúc
theo quy định của Bộ luật dân sự" sẽ giúp các cơ quan lập pháp ban hành các văn bản
dưới luật để hoàn thiện những quy định về điều kiện có hiệu lực của di chúc, đồng thời
giúp các cơ quan áp dụng pháp luật trong việc nhận thức đúng đắn và toàn diện khi giải
quyết những tranh chấp về các điều kiện có hiệu lực của di chúc.
3. Phạm vi nghiên cứu đề tài
Nội dung của luận văn không nghiên cứu toàn diện những quy định của pháp luật
về thừa kế nói chung và thừa kế theo di chúc nói riêng, mà chỉ tập trung nghiên cứu về
các điều kiện có hiệu lực của di chúc được quy định trong Bộ luật dân sự của Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1995 và có sự đối chiếu với những quy định tương ứng
trong Bộ luật dân sự của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2005 (có hiệu lực kể
từ ngày 1-1-2006). Qua đó, tác giả so sánh, đối chiếu với những quy định pháp luật trước
khi Bộ luật dân sự được ban hành để làm nổi bật tính hiện đại của những quy định về các
điều kiện có hiệu lực của di chúc trong Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm
2005. Mặt khác, đề tài cũng có sự so sánh (ở diện hẹp) về các điều kiện có hiệu lực của di
chúc ở các nước như Nhật Bản, Cộng hòa Pháp với Việt Nam để làm nổi bật những nét
đặc thù và tính hiện đại của pháp luật Việt Nam quy định về các điều kiện có hiệu lực của
di chúc.
Trong quá trình nghiên cứu, một số các quy định của pháp luật có liên quan đến
nội dung của đề tài cũng được tìm hiểu như: Năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi
dân sự, giao dịch dân sự... theo pháp luật dân sự Việt Nam để có sự so sánh, đối chiếu,
với mục đích làm nổi bật những quy định của pháp luật về các điều kiện có hiệu lực của
di chúc.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
- Luận văn nghiên cứu một cách có hệ thống về các điều kiện có hiệu lực của di
chúc theo quy định của pháp luật ở Việt Nam.
- Luận văn tập trung nghiên cứu có hệ thống và toàn diện từng điều kiện có hiệu
lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005,
hiệu quả điều chỉnh của những quy định pháp luật về các điều kiện đó. Luận văn tìm ra
những điểm phù hợp với đời sống xã hội và những điểm cần phải bổ sung các quy định
về các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự.
- Qua nghiên cứu, tác giả luận văn có những kiến nghị nhằm hoàn thiện một
bước những quy định của pháp luật về các điều kiện có hiệu lực của di chúc, giúp các nhà
lập pháp bổ sung những quy định còn thiếu về các điều kiện có hiệu lực của di chúc để
đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của xã hội trong quan hệ thừa kế nói chung và thừa kế
theo di chúc nói riêng.
5. Phương pháp nghiên cứu
Dựa trên phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
về Nhà nước và pháp luật, luận văn sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật
biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Bên cạnh đó, những phương pháp khoa học
khác như: So sánh, phân tích, tổng hợp, thống kê cũng được sử dụng để giải quyết những
vấn đề mà đề tài đã đặt ra.
Một số vụ án giải quyết tranh chấp về các điều kiện có hiệu lực của di chúc cũng
được sử dụng có chọn lọc để bình luận và các số liệu thống kê của ngành Tòa án nhân
dân cũng được tham khảo để việc nghiên cứu được toàn diện và sâu sắc hơn.
6. Kết quả đạt được và những điểm mới của luận văn
- Luận văn phân tích có hệ thống những quy định pháp luật về các điều kiện có
hiệu lực của di chúc. Qua nghiên cứu, luận văn chỉ ra những quy định phù hợp với quan
hệ thừa kế theo di chúc và những điểm còn bất cập về các điều kiện có hiệu lực của di
chúc trong Bộ luật dân sự năm 1995, những điểm cần hướng dẫn thực hiện theo Bộ luật
dân sự năm 2005.
- Kết quả nghiên cứu đề tài, tác giả đã có những điểm mới sau đây:
+ Đây là đề tài khoa học được nghiên cứu lần đầu tiên ở nước ta ở cấp thạc sĩ luật
học.
+ Luận văn hệ thống hóa được những quy định pháp luật về điều kiện có hiệu lực
của di chúc ở Việt Nam từ năm 1945 đến nay, làm cơ sở để nghiên cứu toàn diện và hệ
thống những quy định của pháp luật về các điều kiện có hiệu lực của di chúc được quy
định trong Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005.
+ Luận văn chỉ ra những hạn chế, những vấn đề còn thiếu của những quy định
pháp luật về điều kiện có hiệu lực của di chúc trong Bộ luật dân sự năm 1995, phân tích
những quy định về các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự
năm 2005, qua đó có những kiến nghị khoa học nhằm hoàn thiện những quy định pháp
luật về các điều kiện có hiệu lực của di chúc trong Bộ luật dân sự năm 2005.
+ Luận văn chỉ ra được những bất cập trong việc hiểu không đúng các quy định
pháp luật về các điều kiện có hiệu lực của di chúc trong việc áp dụng pháp luật, đồng thời
có những kiến nghị để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành những văn bản
hướng dẫn cần thiết.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận
văn gồm 3 chương, 10 mục.
Chương 1
Khái quát chung về di chúc
1.1. Vài nét về thừa kế và quyền thừa kế
Ngay từ khi nhà nước và pháp luật chưa ra đời thì quan hệ thừa kế đã tồn tại như
một yếu tố khách quan. Thừa kế với ý nghĩa là một phạm trù kinh tế có mầm mống và
xuất hiện ngay trong thời kỳ sơ khai của xã hội loài người. Thừa kế và để lại thừa kế mặc
dù chưa được điều chỉnh bằng các quy phạm pháp luật, nhưng nó vẫn tồn tại một cách
khách quan trong xã hội. ở thời kỳ này, quan hệ thừa kế dựa trên quan hệ huyết thống và
do những phong tục tập quán riêng của từng bộ lạc, thị tộc quyết định.
Quan hệ thừa kế là một quan hệ pháp luật xuất hiện đồng thời với quan hệ sở hữu
và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người. Khi có tư hữu, nhà nước ra đời,
quyền thừa kế được pháp luật quy định, bảo vệ. Mỗi nhà nước khác nhau có hệ thống
những quy phạm pháp luật về thừa kế khác nhau. Pháp luật thừa kế thể hiện rõ bản chất
giai cấp. Quyền thừa kế với tư cách là một chế định pháp luật, luôn gắn liền với một nhà
nước nhất định.
Trong chế độ phong kiến và tư bản, giai cấp bóc lột chiếm hữu hầu hết tư liệu sản
xuất chủ yếu của xã hội. Các quy định của pháp luật thừa kế phong kiến và tư bản đảm
bảo sự chuyển dịch tài sản từ người bóc lột này sang người bóc lột khác. Qua việc chuyển
dịch tài sản bằng hình thức thừa kế, giai cấp tư sản, giai cấp phong kiến duy trì sự thống
trị cả về chính trị và kinh tế. Bằng công cụ pháp luật nói chung và pháp luật về thừa kế
nói riêng, giai cấp bóc lột duy trì sự thống trị xã hội từ thế hệ này sang thế hệ khác qua
việc nắm giữ các tư liệu sản xuất, để từ đó nắm giữ thành quả lao động của xã hội. Có thể
nhận thấy rằng, bản thân thừa kế không tạo ra quyền thống trị cho giai cấp bóc lột mà nó
chỉ duy trì quyền lực đó mà thôi.
Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, tư liệu sản xuất thuộc về nhân dân lao động. Vì
vậy, pháp luật thừa kế trước hết đảm bảo cho công dân yên tâm lao động, sản xuất, hưởng
thành quả lao động của mình và có quyền để lại thành quả lao động đó cho người khác
theo di chúc hoặc theo pháp luật khi người đó chết. Pháp luật về thừa kế trong chế độ xã
hội chủ nghĩa đã động viên, khuyến khích được nhân dân trong việc tạo ra nhiều sản
phẩm cho xã hội.
1.2. Di chúc và đặc điểm của di chúc
1.2.1. Di chúc
Theo quy định tại Điều 649 Bộ luật dân sự năm 1995 và Điều 646 Bộ luật dân sự
năm 2005: "Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho
người khác sau khi chết". Di chúc chính là phương tiện để phản ánh ý chí của người có
tài sản trong việc định đoạt tài sản của họ cho người khác hưởng sau khi người lập di
chúc chết. Một người có thể có nhiều bản di chúc định đoạt một loại tài sản và những di
chúc này đều thể hiện ý chí tự nguyện của họ, phù hợp với những quy định của pháp luật
nhưng không phải tất cả các di chúc trên đều phát sinh hiệu lực mà di chúc có hiệu lực
pháp luật là di chúc thể hiện ý chí sau cùng của người lập di chúc.
Di chúc thường được thể hiện thông qua một hình thức nhất định. Theo quy định
tại Điều 652 Bộ luật dân sự năm 1995 (Điều 649 Bộ luật dân sự năm 2005), di chúc được
thể hiện dưới hai hình thức: Di chúc bằng văn bản và di chúc miệng. Pháp luật chỉ cho phép
người lập di chúc miệng trong những trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 654 Bộ
luật dân sự năm 1995 (Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2005). Về chữ viết trong di chúc
cũng được pháp luật quy định: Đối với người dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng
chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình.
Với những quy định trên, pháp luật dân sự nước ta đã có những quy định cụ thể
về di chúc. Cùng chung sống trên đất nước ta gồm có nhiều dân tộc, nên pháp luật dân sự
cũng đã tính đến yếu tố lịch sử, nhận thức… tạo điều kiện cho mọi cá nhân thực hiện
quyền lập di chúc, nếu cá nhân đó có năng lực lập di chúc theo luật định.
Đối với di chúc bằng văn bản, pháp luật quy định có 4 loại di chúc bằng văn bản:
Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có người làm
chứng, di chúc bằng văn bản có chứng thực của công chứng nhà nước hoặc chứng thực
của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc
được chứng nhận, chứng thực.
Quyền của người lập di chúc được pháp luật quy định tại Điều 651 Bộ luật dân
sự năm 1995, bao gồm những quyền sau:
- Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
- Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
- Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế trong phạm vi di sản;
- Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.
Trong thực tế thì không phải bất cứ người lập di chúc nào cũng thực hiện đúng các
quyền được ghi nhận trên, hoặc là sử dụng một phần, hoặc lại sử dụng quá cả phần quyền
được pháp luật quy định. Về thực hiện quyền phân định di sản thì người lập di chúc cũng
có sự phân định di sản khác nhau: Có di chúc chỉ phân định một phần di sản cho người thừa
kế, còn một phần di sản di chúc không nhắc đến. Trên thực tế cũng có những di chúc định
đoạt cả phần tài sản của người khác (thường là định đoạt toàn bộ tài sản chung vợ chồng).
Trong trường hợp này, di chúc chỉ có hiệu lực một phần tương ứng với di sản của người
lập di chúc.
Theo quy định của Bộ luật dân sự Pháp thì di chúc có nhiều điểm tương tự như
pháp luật dân sự nước ta, được thể hiện:
Điều 895 quy định: "Di chúc là một chứng thư theo đó người để lại di chúc định
đoạt sau khi chết, một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình, người đó có thể hủy bỏ di
chúc" [5].
Điều 967 quy định: "Mọi người đều có thể định đoạt bằng di chúc để lập thừa kế
hoặc để di tặng hoặc được gọi bằng bất cứ tên nào khác để thể hiện ý chí của mình" [5].
Điều 969 quy định: "Di chúc có thể viết tay, lập công chứng thư hoặc di chúc bí
mật" [5].
Còn Bộ luật dân sự Nhật Bản quy định di chúc tuy có những đặc trưng riêng,
nhưng về cơ bản các quy định cũng tương tự như Bộ luật dân sự của Cộng hòa Pháp.
Pháp luật dân sự của Cộng hòa Pháp và pháp luật dân sự Nhật Bản còn có quy
định hình thức của di chúc bí mật. Bản chất của di chúc bí mật tương tự như di chúc được
lập tại công chứng nhà nước ở nước ta, nhưng có thủ tục chặt chẽ hơn (chúng tôi xin
phân tích kỹ hơn ở phần hình thức của di chúc).
1.2.2. Đặc điểm của di chúc
Di chúc có những đặc điểm riêng biệt so với các giao dịch dân sự khác ở những
điểm sau:
Trước hết, di chúc chính là sự thể hiện ý chí đơn phương của người lập di chúc. ý
chí đơn phương này được thể hiện qua việc người lập di chúc toàn quyền định đoạt tài
sản thuộc quyền sở hữu của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc không
phải bàn bạc với bất kỳ ai trong việc định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình
(trường hợp lập di chúc chung vợ chồng thực chất thì vẫn là phần tài sản của ai thì người
đó có quyền định đoạt). Người lập di chúc không có nghĩa vụ phải trao đổi với những
người thừa kế về nội dung di chúc. Người lập di chúc phải tự nguyện, không bị đe dọa,
cưỡng ép trong việc lập di chúc. Di chúc thể hiện ý chí của người lập di chúc, không bị
sự chi phối nào của người khác. Bằng việc lập di chúc, người để lại di sản đã xác lập một
giao dịch dân sự về thừa kế theo di chúc.
ý chí đơn phương của người lập di chúc còn được thể hiện việc người lập di chúc
toàn quyền định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình cho bất kỳ ai và có quyền cho ai bao
nhiêu phần trăm số tài sản thuộc quyền sở hữu của mình mà không phụ thuộc vào việc
người được hưởng thừa kế theo di chúc có quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng hay thân
thích với người lập di chúc. Người lập di chúc có thể cho người này nhiều, người kia ít,
hoặc không cho người nào đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
Như vậy, nếu như trong tất cả các loại hợp đồng dân sự đều phải thể hiện ý chí
của các bên tham gia hợp đồng và các bên đều phải tự nguyện thỏa thuận, bàn bạc, trao
đổi..., thì di chúc chỉ thể hiện ý chí của bên lập di chúc. Hợp đồng dân sự chỉ phát sinh
hiệu lực khi các bên tham gia hợp đồng thống nhất được những điều khoản ghi nhận
trong hợp đồng và cùng nhau ký kết hợp đồng, còn trong di chúc thì không có sự thống
nhất giữa người lập di chúc và người được thừa kế theo di chúc. Thực tế đã có nhiều
trường hợp người được hưởng thừa kế theo di chúc không thể biết mình có quyền được
hưởng di sản theo di chúc vì di chúc chưa được công bố và được cất giữ bí mật.
Đối với những di chúc do vợ chồng lập chung, trong đó mặc dù thể hiện ý chí chung
của hai người, nhưng thực chất vẫn thể hiện ý chí đơn phương của từng người trong việc
định đoạt tài sản chung (ý chí đơn phương của chồng và vợ trùng nhau trong việc định
đoạt tài sản chung vợ chồng). Mặt khác, di chúc chung của vợ chồng vẫn chỉ thể hiện ý
chí của một bên - bên chuyển giao tài sản.
ý chí đơn phương này là đặc điểm khác biệt của di chúc với các loại giao dịch
dân sự khác. Đây không phải chỉ riêng di chúc theo pháp luật dân sự Việt Nam mà pháp
luật dân sự của hầu hết các nước thì vấn đề này cũng được quy định rõ như: Bộ luật dân
sự của Cộng hòa Pháp, Đức…
Đặc điểm thứ hai: Di chúc thể hiện sự định đoạt tài sản của người lập di chúc nhằm
chuyển dịch tài sản cho người khác, sau khi người lập di chúc chết.
Nếu như các loại hợp đồng dân sự đều thể hiện ý chí thỏa thuận của các chủ thể
nhằm chuyển dịch tài sản từ người này sang người khác thì di chúc lại nhằm chuyển dịch
tài sản của người đã chết sang cho người còn sống. Người thừa kế theo di chúc phải còn
sống vào thời điểm mở thừa kế.
Thực tế cho thấy không phải bất cứ ai trước khi chết cũng lập di chúc, mà có
người trước khi chết họ chỉ để lại những lời dặn dò, ví dụ: Dặn dò các con phải thương
yêu nhau, phải cố gắng học tập, tránh xa các thói hư, tật xấu...
Với khái niệm về di chúc tại Điều 649 Bộ luật dân sự năm 1995 (Điều 646 Bộ luật dân
sự năm 2005) thì di chúc phải thể hiện việc chuyển dịch tài sản của người lập di chúc cho
người khác sau khi người lập di chúc chết. Vì vậy, nếu như một tài liệu nào đó của người
chết để lại mà không hàm chứa nội dung chuyển tài sản cho người khác, thì không thể
được coi là di chúc. Pháp luật cho phép công dân có quyền định đoạt tài sản, trong đó có
việc để lại di sản thừa kế theo di chúc, nhưng pháp luật cũng chỉ công nhận khi di chúc
của công dân đó thỏa mãn những điều kiện nhất định. Trong thực tiễn đã có không ít
những di chúc không tuân theo những quy định của pháp luật về hình thức và nội dung,
dẫn tới di chúc không được công nhận hoặc chỉ được công nhận một phần.
Đặc điểm thứ ba: Di chúc là một loại giao dịch dân sự đặc biệt, chỉ có hiệu lực
khi người lập di chúc chết.
Khoản 1 Điều 670 Bộ luật dân sự năm 1995 (khoản 1 Điều 667 Bộ luật dân sự
năm 2005) quy định: "Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế" [6], [7].
Về thời điểm mở thừa kế, Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005
quy định thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp Tòa
án tuyên bố một người là đã chết, thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định theo
quy định của pháp luật.
Đây là một đặc điểm thể hiện rõ nét sự khác biệt giữa di chúc với các loại giao
dịch dân sự khác, ví dụ như hợp đồng dân sự có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết trừ
trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác, còn thời điểm có hiệu
lực của di chúc lại phụ thuộc vào thời điểm mà người lập di chúc chết hoặc thời điểm mà
quyết định của Tòa án tuyên bố người lập di chúc chết có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, việc xác
định đúng thời điểm mở thừa kế (thời điểm người lập di chúc chết) có ý nghĩa trong việc xác
định thời điểm có hiệu lực của di chúc. Mặt khác, xác định đúng thời điểm mở thừa kế có ý
nghĩa quan trọng trong việc xác định di chúc nào là di chúc có hiệu lực trong trường hợp một
người có nhiều di chúc. Di chúc thể hiện ý chí đơn phương của người lập di chúc và người
lập di chúc có quyền thay đổi một phần hoặc toàn bộ nội dung di chúc hay hủy bỏ di
chúc. Sự thay đổi hay hủy bỏ di chúc có thể được thể hiện dưới hình thức người đó lập di
chúc mới ghi nhận về việc thay đổi hay hủy bỏ di chúc, nhưng cũng có thể bằng di chúc mới
(mặc dù không nói rằng thay đổi hay hủy bỏ di chúc) người lập di chúc định đoạt tài sản
mà nội dung định đoạt khác với di chúc đã viết trước đó. Việc đánh giá hiệu lực của di
chúc như vậy dựa theo quy định tại khoản 5 Điều 670 Bộ luật dân sự năm 1995: "Khi
một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản, thì chỉ có bản di chúc sau cùng
mới có hiệu lực pháp luật" [6].
Tóm lại, khi người lập di chúc còn sống thì di chúc dù có phù hợp với các quy
định của pháp luật về hình thức và nội dung, thì di chúc cũng chưa phát sinh hiệu lực. Do
di chúc chưa phát sinh hiệu lực (khi người lập di chúc chưa chết) nên những người thừa
kế theo di chúc chưa có bất kỳ một quyền nào đối với tài sản mà họ sẽ được hưởng.
Quyền đối với tài sản vẫn thuộc về người lập di chúc cho đến khi người lập di chúc chết.
1.3 Tiến trình phát triển của những quy định pháp luật về thừa kế nói chung
và các điều kiện có hiệu lực của di chúc nói riêng ở Việt Nam
1.3.1. Giai đoạn trước năm 1945
Dưới chế độ phong kiến, đời sống của nhân dân ta vô cùng khổ cực vì chế độ sưu
cao, thuế nặng. Người nông dân chiếm đại đa số trong xã hội, nhưng bị trói buộc bởi
ruộng đất của địa chủ, phong kiến. Giai cấp địa chủ chiếm số ít trong xã hội nhưng lại
nắm đa số các tư liệu sản xuất chủ yếu. Nhà nước phong kiến dùng pháp luật trong đó có
pháp luật về thừa kế để duy trì và củng cố quyền sở hữu của giai cấp địa chủ đối với ruộng
đất từ đời này sang đời khác.
Chế độ phong kiến đã tồn tại ở nước ta qua nhiều thế kỷ. Trải qua nhiều triều đại,
mỗi Nhà nước phong kiến đều ban hành các văn bản pháp luật để củng cố quyền lực và
phục vụ việc quản lý đất nước. Từ xa xưa, các bộ cổ luật của các triều đại phong kiến đã
có nhiều quy định cụ thể về thừa kế. Đáng chú ý của thời kỳ phong kiến là: Bộ luật Hồng
Đức (năm 1943), Bộ luật Gia Long (năm 1815), Bộ Dân luật Bắc kỳ (năm 1931), Bộ Dân
luật Trung kỳ (năm 1936). Ngoài các bộ luật, các nhà nước phong kiến còn ban hành
nhiều văn bản như chiếu, chỉ, dụ, lệnh của vua…
Trong Bộ luật Hồng Đức hay còn gọi là Quốc triều hình luật hoặc Luật hình triều
Lê có quy định tôn trọng ý muốn và quyền quyết định của người có tài sản.
Điều 388 Bộ luật Hồng Đức quy định:
Cha mẹ mất cả, có ruộng đất, chưa kịp để lại chúc thư, mà anh em chị
em tự chia nhau, thì lấy một phần 20 số ruộng đất làm hương hỏa, giao cho
người con trai trưởng giữ, còn thì chia nhau. Phần con của vợ lẽ, nàng hầu, thì
phải kém. Nếu đã có lệnh của cha mẹ và chúc thư, thì phải theo đúng, trái thì
mất phần mình.
Điều 390 Bộ luật Hồng Đức quy định: "Người làm cha mẹ phải liệu tuổi già mà
lập sẵn chúc thư…" [11].
Như vậy, Bộ luật Hồng Đức đã quy định quyền lập chúc thư để lại di sản, đặc
biệt là những người tuổi cao.
Di chúc được lập dưới dạng văn bản gọi là chúc thư. Bộ luật Hồng Đức cũng quy
định về hình thức lập di chúc tại Điều 366: "Những người làm chúc thư, văn khế mà
không nhờ quan trưởng trong làng viết thay và chứng kiến, thì phải phạt 80 trượng, phạt
tiền theo việc nặng nhẹ. Chúc thư văn khế ấy không có giá trị. Nếu biết chữ mà viết lấy
thì được" [11].
Như vậy, người có tài sản có thể tự mình viết chúc thư. Nếu người để lại di sản
không biết chữ thì chỉ được phép nhờ quan trưởng viết thay, không được nhờ người khác.
Nếu nhờ người khác viết hộ di chúc mà không nhờ quan trưởng thì ngoài việc bị phạt, di
chúc không có giá trị, di sản được chia theo pháp luật. Vấn đề hình thức lập di chúc trong
thời kỳ này đã được coi trọng.
Bộ luật Gia Long (hay còn gọi là Hoàng Việt luật lệ) là phiên bản của Bộ luật
Mãn Thanh (Trung Quốc). Bộ luật không thừa nhận quyền thừa kế của con gái mà chú
trọng đến quyền lợi của con trai, thể hiện rõ việc trọng nam khinh nữ. Bộ luật cũng công
nhận vai trò của việc thừa kế theo di chúc, thể hiện tại Điều 388 Bộ luật này quy định:
"Nếu có mệnh lệnh của cha mẹ, phải theo đúng. Vi phạm điều này sẽ mất phần" [9].
Bộ Dân luật Bắc kỳ được ban hành bằng một Nghị định của Thống sứ Bắc kỳ
ngày 30-3-1931. Bộ luật bao gồm 1.464 điều, được chia làm 4 quyển. Quyển thứ nhất
bao gồm 12 thiên quy định về gia đình, chế độ hôn sản và thừa kế, trong đó có 17 điều
luật quy định về thừa kế theo di chúc. Nội dung của bộ luật phản ánh được những phong
tục, tập quán của người Việt Nam như: Việc thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng truyền thống
và đặc trưng của người Việt Nam…
Bộ Dân luật Bắc kỳ quy định người lập di chúc có quyền dành một phần di sản
để thờ cúng. Việc chăm sóc nuôi dưỡng nhau giữa những người trong cùng một gia đình
được coi là bổn phận của đạo đức. Bộ luật quy định con cháu không được phân chia khối
tài sản của gia đình khi cha mẹ còn sống nếu không được sự đồng ý của họ. Con cháu của
người chết buộc phải nhận di sản của người đó và thay họ thực hiện các nghĩa vụ về tài
sản mà họ để lại... Bộ luật còn quy định cha mẹ phải có trách nhiệm nuôi dưỡng con cái,
phải đảm bảo cho cuộc sống lâu dài của con cái nên họ phải để lại tài sản của mình cho
những người ở thế hệ sau khi họ chết. Điều 321 Bộ Dân luật Bắc kỳ quy định người vợ
không có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản riêng của mình nếu không được người
chồng đồng ý. Người cha có thể lập chúc thư để định đoạt tài sản của mình tùy theo ý
mình, nhưng phải giữ quyền lợi cho người vợ chính. Người lập chúc thư có thể truất
quyền thừa kế của một hay nhiều người trong những người được thừa kế. Việc truất
quyền thừa kế phải lập thành văn bản do viên quản lý văn khế lập hoặc do lý trưởng nơi
cư trú của người lập chúc thư. Chúc thư phải làm thành văn bản hoặc do viên quản lý văn
khế làm ra hoặc có công chứng thị thực. Chúc thư không có viên chức thị thực phải do
người lập chúc thư viết lấy và ký tên. Nếu người lập chúc thư đọc để người khác viết thay thì
phải có ít nhất hai người đã thành niên làm chứng. Người làm chứng thường là lý trưởng tại
nơi trú quán của người lập chúc thư, nếu ở xa không về nơi trú quán được thì chúc thư ấy
phải có sự chứng kiến của lý trưởng nơi hiện ở của người lập chúc thư (Điều 326 Dân luật
Bắc kỳ). Chúc thư phải ghi rõ ngày, tháng năm lập chúc thư; tên, họ, tuổi, nơi trú quán của
người làm chứng. Chúc thư khi đã làm xong thì lý trưởng đọc to cho mọi người cùng
nghe rồi lý trưởng, người lập chúc thư, người viết hộ (nếu có) và những người làm chứng
cùng ký tên vào văn bản. Có bao nhiêu người được thừa kế thì chúc thư được làm thành
bấy nhiêu bản gốc để gửi cho mỗi người thừa kế một bản.
Khi người lập chúc thư muốn thay đổi một phần hay toàn bộ chúc thư, thì bản
chúc thư sau phải tiến hành đúng những thủ tục trên và phải nêu rõ việc người lập chúc
thư thay đổi một phần hay toàn bộ bản chúc thư, nếu không nói rõ thì chỉ những điều
khoản nào không hợp hoặc có trái với bản chúc thư sau mới bị bỏ mà thôi.
Điều 113 Bộ Dân luật Bắc kỳ quy định: Khi người vợ chết trước, người chồng
trở thành chủ sở hữu duy nhất tất cả của cải chung trong đó có cả phần của vợ (tức là tài
sản riêng của vợ). Còn nếu chồng chết thì người vợ chỉ có quyền hưởng dụng tài sản
riêng của chồng khi không còn người thừa kế nào bên nội, bên ngoại của chồng (Điều
346). Nếu người vợ góa tái giá thì tài sản riêng của chồng phải trả lại nhà chồng, tài sản
riêng của vợ được mang theo đi, còn tài sản của vợ chồng thì để lại cho con (Điều 360)
[14].
Bộ luật Trung kỳ hay còn gọi là Hoàng Việt Trung Kỳ Hộ luật gồm 1709 điều,
được chia làm 5 quyển. Có thể nói, Bộ luật này hầu như sao chép lại nhiều điều khoản
trong Bộ luật Bắc kỳ, ví dụ: Điều 341 Bộ luật Trung kỳ giống Điều 346 Bộ Dân luật Bắc
kỳ; Điều 359 Bộ Dân luật Trung kỳ giống Điều 360 Bộ Dân luật Bắc kỳ; Điều 111 Bộ
Dân luật Trung kỳ giống Điều 113 Bộ Dân luật Bắc kỳ; Điều 313 Bộ Dân luật Trung kỳ
giống Điều 321 Bộ Dân luật Bắc kỳ... [15].
1.3.2. Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1990
Với thắng lợi rực rỡ của Cách mạng tháng Tám, Nhà nước Việt Nam dân chủ
cộng hòa ra đời, đánh dấu một trang sử mới của cách mạng nước ta. Ngay sau khi thành
lập, nhà nước non trẻ đã phải đối phó với rất nhiều những khó khăn cả về chính trị, quân
sự, kinh tế, văn hóa xã hội… Để giữ vững thành quả cách mạng, Nhà nước ta đã có
những chính sách vừa mềm dẻo, vừa cương quyết để tập trung quyền lực về tay Nhà
nước. Trong thời kỳ này, những vấn đề lớn đều được điều chỉnh bằng các Sắc lệnh, còn
những vấn đề thuộc về dân sự thì Nhà nước vẫn cho phép áp dụng các văn bản cũ, nếu nó
không trái nguyên tắc vi phạm đến độc lập của Nhà nước Việt Nam và chính thể dân chủ
cộng hòa (Sắc lệnh số 90/SL ngày 10-9-1945). Trong quan hệ về thừa kế, Nhà nước ta
vẫn cho phép áp dụng các quy định trong các Bộ Dân luật Bắc kỳ, Bộ Dân luật Trung Kỳ.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội thì những điều khoản của các Bộ
dân luật trở nên lạc hậu. Để xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, nhằm mục đích bảo
vệ lợi ích của nhân dân lao động... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 97/SL ngày
22-5-1950. Điều 5 của Sắc lệnh quy định: "Chồng và vợ có địa vị bình đẳng trong gia
đình". Về thừa kế cũng được Sắc lệnh quy định: Con cháu hoặc vợ chồng của người chết
cũng không bắt buộc phải nhận thừa kế của người ấy. Khi nhận thừa kế thì các chủ nợ của
người chết cũng không có quyền đòi nợ quá số di sản để lại (Điều 10). Trong lúc còn sinh
thời người chồng góa hay vợ góa, các con đã thành niên có quyền xin chia phần tài sản thuộc
quyền sở hữu của người chết, sau khi đã thanh toán tài sản chung (Điều 11) [38].
Với những quy định này, tuy còn ở mức độ nhất định nhưng nó đã thể hiện sự
tiến bộ vượt bậc của pháp luật nói chung và về thừa kế nói riêng so với Bộ dân luật Bắc
kỳ và Bộ dân luật Trung kỳ.
Sự ra đời của Hiến pháp năm 1959 đã đánh dấu bước trưởng thành lớn của công
tác lập pháp nước ta. Quyền thừa kế được Hiến pháp ghi nhận tại Điều 19: "Nhà nước
chiểu theo pháp luật để bảo hộ quyền thừa kế về tài sản của công dân" [24]. Đây là một
nguyên tắc Hiến định, là cơ sở để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền
thừa kế cho công dân.
Ngày 29-12-1959 Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố Luật Hôn nhân và gia đình,
có hiệu lực thi hành từ 13-1-1960 (gọi là Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959). Với Luật
hôn nhân và gia đình đầu tiên này đã phá bỏ chế độ gia đình phụ quyền của chế độ cũ,
đảm bảo chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng. Vợ chồng có quyền
bình đẳng trong mọi quyền lợi, trong đó có quyền thừa kế tài sản của nhau; con cái trong
và ngoài giá thú cũng được đối xử bình đẳng... [31].
Để thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, Tòa án nhân dân tối cao đã
thường xuyên tổng kết công tác xét xử, ban hành nhiều thông tư, hướng dẫn cho Tòa án
các địa phương trong việc áp dụng thống nhất pháp luật.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 1964 của ngành Tòa án, Tòa án nhân dân tối
cao đã hướng dẫn việc xét xử của Tòa án cấp dưới trong việc xét xử các vụ án tranh chấp
di sản thừa kế. Theo tổng kết này thì có ba hàng thừa kế sau:
- Hàng thừa kế thứ nhất: Vợ góa hay chồng góa; các con đẻ và con nuôi của người
chết; bố mẹ mất sức lao động được người để lại di sản nuôi dưỡng.
- Hàng thừa kế thứ hai: Bố mẹ còn sức lao động.
- Hàng thừa kế thứ ba: Anh chị em ruột và anh chị em nuôi.
Ngày 27-8-1968, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư số 594/NCPL
hướng dẫn đường lối xét xử các việc tranh chấp thừa kế. Thông tư đã nêu rõ các đặc điểm
cơ bản (thực chất là các nguyên tắc) của chế độ thừa kế của nhà nước ta: Nam nữ bình
đẳng về quyền thừa kế, người thừa kế được hưởng các quyền tài sản của người chết để lại
và phải chịu trách nhiệm thi hành các nghĩa vụ tài sản do người chết để lại trong phạm vi
giá trị tài sản nhận được, tôn trọng quyền định đoạt bằng di chúc của người có di sản,
đồng thời bảo vệ thích đáng quyền lợi của một số người thừa kế theo luật. Thông tư nói
rõ: Di sản thừa kế bao gồm không những quyền sở hữu cá nhân về những tài sản mà
người chết để lại mà còn gồm cả những quyền tài sản và nghĩa vụ tài sản phát sinh do
quan hệ hợp đồng hoặc do việc gây thiệt hại mà người chết để lại. Về thừa kế theo pháp
luật, Thông tư đưa ra khái niệm diện thừa kế và hàng thừa kế theo pháp luật, thứ tự
hưởng di sản căn cứ vào hàng thừa kế. Diện những người thừa kế theo pháp luật gồm: Vợ
góa (vợ cả góa và vợ lẽ góa) hoặc chồng góa, con đẻ và con nuôi, bố mẹ đẻ hoặc bố mẹ
nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh chị em ruột. Như vậy, trong diện những
người thừa kế theo pháp luật có thêm ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại. Những người
trong diện thừa kế được xếp làm hai hàng thừa kế:
Hàng thừa kế thứ nhất: Vợ góa (vợ cả góa và vợ lẽ góa) hoặc chồng góa, các con
đẻ và con nuôi, bố mẹ đẻ hoặc bố mẹ nuôi.
Hàng thừa kế thứ hai: Anh chị em ruột và anh chị em nuôi, ông nội, bà nội, ông
ngoại, bà ngoại.
Thông tư đã ghi nhận: Anh chị em cùng mẹ khác cha hoặc cùng cha khác mẹ có
quan hệ huyết thống với nhau không hoàn toàn nhưng trong nhiều gia đình họ đối xử với
nhau thân mật không khác gì anh chị em cùng cha, cùng mẹ. Do đó, cần xác định họ có
quyền thừa kế di sản của nhau.
Về thừa kế theo di chúc: Thông tư 594 xác nhận quyền tự do định đoạt theo di
chúc nhưng không được trái với chính sách và pháp luật hiện hành, không trái với tinh
thần đoàn kết, tương trợ trong gia đình và phải bảo đảm đời sống cho vợ hoặc chồng, con
vị thành niên hoặc con đã thành niên nhưng mất sức lao động và cha mẹ già yếu, túng
thiếu. Do đó, người lập di chúc khi định đoạt tài sản của mình phải giữ một phần tài sản
cho những người nói trên. Phần di sản bắt buộc phải dành lại cho những người này nên
tính tùy theo tình hình di sản và số người thừa kế cần được bảo vệ quyền lợi, nó không
nên quá thấp so với phần di sản mà họ đáng lẽ được hưởng nếu không có di chúc. Trường
hợp di chúc không dành phần bắt buộc thích đáng cho những người nói trên thì cần phải
điều chỉnh lại. Phần di sản dư ra sau khi đã dành những phần bắt buộc, Tòa án vẫn chiếu
theo di chúc để chia cho người thừa kế được chỉ định trong di chúc.
Thông tư số 594 ngày 27-8-1968 của Tòa án nhân dân tối cao đã xóa bỏ quan
điểm của Dân luật cũ thời Pháp thuộc (Điều 321 Dân luật Bắc kỳ, Điều 313 Hoàng Việt
Trung kỳ Hộ luật) về quyền tự do tuyệt đối khi lập di chúc. Đây là vấn đề mới từ thực tiễn
xét xử nên ở thời điểm đó Tòa án nhân dân tối cao chưa thể ấn định cụ thể phần di sản bắt
buộc này là bao nhiêu [41].
Với thắng lợi to lớn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đất nước ta đã hoàn
toàn thống nhất năm 1975. Thắng lợi của cuộc tổng tuyển cử tự do trong cả nước tháng 7-
1976, Nhà nước ta lấy tên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 25-3-1977 Hội
đồng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 76/CP quy định về việc thực hiện thống nhất
pháp luật trên cả nước. Kể từ
thời điểm này, pháp luật đã được áp dụng thống nhất trong toàn quốc. Tuy nhiên, ở giai
đoạn này vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào quy định riêng về thừa kế.
Trước sự thay đổi lớn của đất nước, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa VI đã thông
qua bản Hiến pháp (gọi là Hiến pháp 1980) - Hiến pháp đầu tiên trong thời kỳ thống nhất
đất nước - là cơ sở nền tảng cho việc phát triển của pháp luật Việt Nam nói chung và
pháp luật về thừa kế theo di chúc nói riêng. Hiến pháp năm 1980 là đạo luật gốc, đạo luật
cơ bản của Nhà nước. Hiến pháp đã quy định về chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa
xã hội, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân… tạo tiền đề, cơ sở pháp lý cho việc ban
hành các văn bản pháp luật về thừa kế sau này.
Điều 27 Hiến pháp năm 1980 quy định: "Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của công
dân về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, những công cụ sản
xuất dùng trong những trường hợp được phép lao động riêng lẻ. Pháp luật bảo hộ quyền thừa
kế tài sản của công dân". Hiến pháp năm 1980 cũng quy định mọi công dân đều bình đẳng
trước pháp luật, sự bình đẳng giữa nam và nữ, Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự
phân biệt, đối xử giữa các con...
Hiến pháp năm 1980 đã quy định đất đai thuộc sở hữu nhà nước. Nhà nước thống
nhất quản lý đất đai theo quy hoạch chung, nhằm bảo đảm đất đai được sử dụng hợp lý và
tiết kiệm. Những tập thể và cá nhân đang sử dụng đất đai được tiếp tục sử dụng và hưởng
kết quả lao động của mình theo quy định của pháp luật [25].
Để đảm bảo thống nhất đường lối xét xử, trên cơ sở tổng kết công tác xét xử,
đồng thời bổ sung một số vấn đề cho phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 1980,
Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư số 81-TANDTC ngày 24-7-1981 hướng dẫn
giải quyết tranh chấp về thừa kế. Ngay từ Phần nguyên tắc chung (Phần I), Thông tư đã
quy định về quyền lập di chúc của công dân để định đoạt tài sản của mình sau khi chết.
Nếu không có di chúc thì mới chia thừa kế theo pháp luật, tôn trọng quyền định đoạt bằng
di chúc của người có di sản, đồng thời bảo hộ thích đáng quyền lợi của một số người thừa
kế theo luật (người thừa kế bắt buộc không phụ thuộc vào nội dung di chúc), phụ nữ và
nam giới bình đẳng về quyền lập di chúc, người thừa kế có quyền nhận hay không nhận
di sản thừa kế, người nhận thừa kế được hưởng các tài sản và các quyền về tài sản của
người chết để lại, đồng thời phải chịu trách nhiệm thi hành các nghĩa vụ về tài sản mà
người chết để lại trong phạm vi giá trị tài sản đã nhận được. Thông tư số 81 đã hướng dẫn
về việc xác định di sản thừa kế, diện và hàng thừa kế, việc phân chia di sản thừa kế... Đặc
biệt, Thông tư đã dành chương IV để hướng dẫn về thừa kế theo di chúc, trong đó quy
định rõ về hình thức của di chúc, quyền định đoạt tài sản của người lập di chúc, nghĩa vụ
phải dành lại một phần tài sản cho những người thừa kế bắt buộc của người lập di chúc
(hạn chế quyền của người lập di chúc)… Những người thừa kế bắt buộc gồm: Vợ góa